Chào mừng các bạn đã quay trở lại với Blog của Ớt Sachi. Trong ngày đầu tiên của nhật ký Du hí Campuchia, các bạn đã đồng hành cùng mình trong chặng đường hơn 12 tiếng oto từ Sài Gòn tới Xiêm Riệp. Ngày hôm nay hãy cùng mình tìm hiểu xem Xiêm Riệp có gì hay và cái giá cho 12 tiếng ngồi oto có đáng không nhé!
Mục lục đọc nhanh:
- Lên đồ, khởi hành
- Tấm vé du hành ngược thời gian về thể kỷ XII
- Chuyến săn bình minh bất thành nơi đền cổ
- Vén bức màn lịch sử, sự trở lại của một biểu tượng
- Angkor Wat – kỳ quan ai cũng phải thán phục
- Prasat Kravan – ngôi đền gạch đỏ giữa vương quốc của đá
- Banteay Kdei – nơi cây và đá chia đôi vương quốc
- Ta Prohm – niềm cảm hứng cho Hollywood
- Ta Keo – kiệt tác còn giang dở
- Lost in Angkor thorm – kinh đô cuối của đế chế Angkor
- Bayon – tuyệt đỉnh nghệ thuật kiến trúc Khmer
Lên đồ, khởi hành
Cả bọn về đến khách sạn đã quá nửa đêm, không khí tưng bừng và những tiếng nhạc rộn ràng ở Pub street vẫn văng vẳng bên tai. 4h30 – đó là lúc 2 anh tuk tuk sẽ đón cả đoàn ở khách sạn. Lúc mới tới có lẽ do quá háo hức để đi ăn chơi nên cả bọn không ai thắc mắc tại sao lại phải đi sớm như vậy. Nhưng dù sao họ đã hẹn vậy chắc phải có lý do, chứ chẳng ai mất công đi cả ngày từ tầm đó mà chỉ thu về có 15$!
Đúng 4h chuông điện thoại thi nhau reo lên, mình gồng hết sức để thoát khỏi ma lực của chiếc gối êm ả. Hôm nay dự sẽ là một ngày dài và vất vả vì thời tiết Campuchia mùa này tuy đã dịu bớt nhưng như hôm qua thì mình thấy vẫn còn khá nóng bức. Chính vì vậy sau khi đánh răng rửa mặt xong mình đã bôi sẵn kem chống nắng và chuẩn bị sẵn kính râm, mũ và áo chống nắng và cả một chai nước nhỏ.
Bọn mình xuống chậm 5ph so với hẹn, hai anh lái xe niềm nở chào đón nhưng cũng không dấu được sự sốt ruột. Và câu trả lời cho sự sốt ruột đó cũng có ngay không lâu sau đó.
Tấm vé du hành ngược thời gian về những năm đầu của thể kỷ XII
Con đường từ khách sạn của mình đến khu Angkor wat khoảng 6km nhưng để được vào tham quan thì phải qua tòa nhà điều hành của khu di tích để mua vé. Lúc mình đến đây thì mọi người đã xếp hàng khá dài để mua vé.
Ở đây phải giới thiệu qua một chút, Xiêm Riệp là kinh đô cũ của đế chế Angkor hùng mạnh của người Khmer trong quá khứ, vì vậy cả thành phố này có rất nhiều địa điểm tham quan, chia làm 3 vòng khác nhau. Tương ứng với nó sẽ có 3 loại vé để tham quan trong 1 ngày (chỉ tham quan được các địa điểm ở vòng trung tâm của khu di tích), 3 ngày (tham quan được thêm các địa điểm ở vòng giữa) và 1 tuần dành cho bạn nào muốn tìm hiểu sau cả thành phố này.
Do thời gian có hạn nên mình đương nhiên chỉ mua loại vé 1 ngày, vào thời điểm mình đi chỉ có 20$ nhưng hiện giờ đã tăng lên gần 40$. Chính vì vậy các bạn hãy cố gắng đi Xiêm Riệp càng sớm càng tốt nhé J) Sau khoảng 15’ chờ đợi thì cả nhóm cũng đã cầm trên tay tấm vé thông hành để trở về thế giới của những năm giữa thế kỷ XII.
Ah ở đây có một chú ý nữa cho các bạn là khi mua vé vào Angkor thì bạn sẽ được chụp ảnh để dán lên vé, vì vậy nếu bạn muốn có một tấm vé bắt mắt thì hãy make up một chút trước khi đi nhé, đừng như mình với quả đầu như cái tổ quạ do đêm qua gội đầu muộn (đó là một câu chuyện buồn, hiu hiu)
Chuyến săn bình minh bất thành nơi đền cổ
Chiếc xe tuk tuk nhẹ nhàng lướt qua con đường bê tông thẳng tắp, hai bên đường là cánh rừng với những hàng cây cao vút. Bầu không khí trong lành này như bức màn ngăn cánh giữa thế giới hiện đại và quá khứ.
Trước cửa lối vào khu di tích là bãi để xe tuk tuk và khu bán hàng ăn vặt buổi sáng. Đồ ăn cũng không đa dạng lắm, bọn mình tranh thủ làm mỗi người cái bánh mỳ kẹp trước khi bắt đầu tham quan.
“Trời hôm nay nhiều mây cực” vì thế mà sau gần 30 phút chờ đợi ông mặt trời vẫn chưa chịu ló mặt ra để mọi người chiêm ngưỡng dù đã gần 6h sáng. Như vậy là chuyến săn bình minh nơi đền cổ của bọn mình đã bất thành. Nhưng bỏ qua anh hoàng ở đâu cũng nhìn thấy thì phía dưới mặt đất, Angkor Wat từ từ hiện lên mỗi lúc một hùng vĩ khi bóng đêm dần biến mất. Và đó mới là cuộc chinh phục chính của bọn mình trong ngày hôm nay.
Vén bức màn lịch sử, sự trở lại của một biểu tượng
Địa điểm tham quan đầu tiên của bọn mình chính là khu đền Angkor Wat huyền thoại. Đến đây thì mình té ngửa ra rằng Angkor Wat chỉ là ngôi đền nổi bật nhất trong quần thể khu di tích còn xung quanh khu vực này còn có hàng tá ngôi đền cổ với kiến trúc tương tự.
Được xây dựng vào nửa đầu thế kỷ XII dưới triều đại của vua Suryavarman II, Angkor wat từng là hoàng cung của đế quốc Angkor hùng mạnh trong lịch sử. Thế nhưng Angkor wat cũng như các ngôi đền khác trong toàn bộ quần thể đã không thể thoát khỏi quy luật thịnh rồi suy của các triều đại phong kiến.
Sau khi đế chế Angkor bất ngờ sụp đổ và phải rời đô về Phnom Penh thì Angkor wat đã bị chìm trong quên lãng cho đến cuối thế kỷ 16 khi một nhà sư người Bồ Đào Nha phát hiện ra ngôi đền và giới thiệu với người phương tây. Nhưng cũng phải đến giữa thế kỷ XIX khi người Pháp trong công cuộc khai thác thuộc địa tại Đông Dương mới chính thức đưa Angkor Wat trở lại ánh sáng và cũng từ đây ngôi đền đã trở thành biểu tượng của vương quốc Campuchia khi xuất hiện trên quốc kỳ kể từ năm 1863 khi lá cờ lần đầu tiên được giới thiệu.
Angkor Wat – kỳ quan người phương Tây cũng phải ngả mũ thán phục
Ngôi đền có cấu trúc 3 vòng trung tâm trong với vòng ngoài có kích thước 1024m x 802m, được bao quanh bởi một hào nước. Theo các nhà nghiên cứu thì chính hào nước này đã giúp Angkor Wat đứng vững trước sự xâm chiếm của cánh rừng già xung quanh, góp phần giúp đây là công trình được bảo tồn tốt nhất trong toàn thể khu di tích.
Toàn bộ công trình có một trục đường chính bằng đá xuyên suốt. Ở giữa là những ngọn tháp, hai bên là những dãy hành lang bằng đá sâu hun hút. Kiến trúc ngôi đền mô phỏng ngọn núi Meru vĩ đại trong thần thoại của Hindu giáo với ngọn tháp trung tâm cao nhất tới 65m, xây bằng đá sa thạch. Sự kỳ bí của ngôi đền càng được tô thêm bởi những hàng cây thốt nốt trồng hay bên đường. Những bãi cỏ tự nhiên xen lẫn, lấp vào những khoảng trống giữa các dãy đền tạo ra một màu xanh mướt trông rất thích mắt.
Đến đây mình một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu mình là “người Khmer còn xây được Angkor Wat thì người Ai Cập xây kim tự tháp là điều bình thường”. Và cũng giống như kim tự tháp của người ai cập thì đến giờ người ta vẫn chưa biết Angkor wat được xây như thế nào.
Chỉ biết những đền đài, phù điêu và hành lang mênh mông đều là những khối đá xếp chồng lên nhau một cách tự tự nhiên, ngay cả ở trên nóc vòm mà không cần một chất kết dính nào. Điều này cho thấy nền văn minh của người Khmer đã có những bước tiến vượt bậc trong kỹ thuật xây dựng.
Prasat Kravan – ngôi đền gạch đỏ giữa vương quốc của đá
Toàn bộ các địa điểm tham quan trong ngày ở khu di tích được kết nối theo một cung đường có độ dài 17km. Rời Angkor wat, chiếc xe tuk tuk đưa bọn mình đến Prasat Kravan – ngôi đền thứ 2 trong hành trình. Được xây dựng từ thế kỷ thứ 10, tức là sớm hơn cả Angkor Wat.
Có lẽ cũng vì thế mà ngôi đền này rất khác biệt so với các ngôi đền khác trong quần thể khu di tích khi nó được xây bằng gạch nung đỏ chứ không phải bằng đá. Ngôi đền làm mình có chút liên tưởng tới những ngọn tháp của người Chăm của chúng ta hay những ngôi đền ở Bagan – Myanmar.
Banteay Kdei – nơi cây và đá chia đôi vương quốc
Một trong những hình ảnh nổi bật nhất trong các cửa hàng lưu niệm ở Xiêm Riệp là cái cây với bộ rễ khổng lồ xung quanh những ngôi đền. Theo lời của anh hướng dẫn viên cho một nhóm người Anh thì nguyên nhân chính là do sự xâm lấn kéo dài hàng trăm năm của các loài thực vật xung quanh ngôi đền. Điều này giúp mình hiểu thêm tầm quan trọng của hào nước xung quanh Angkor wat.
Ngôi đền được xây theo kiến trúc Bayon (mình cũng chưa hiểu sâu lắm) nhưng có lẽ nó đặc trưng bởi bức tượng thần 4 mặt giống như ở đền Bayon. Ngay phía trước ngôi đền là hồ nước ngọt Sras Srang với những tượng rắn thần Naga và cây thốt nốt. Hồ từng đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết thủy lơi và cũng là nơi các vua chúa vi vu thưởng ngoạn trong quá khứ.
Bên trong ngôi đền chính là những dấu tích cho thấy sự xuống cấp theo thời gian của ngôi đền. Nhiều trụ, cột đá rệu rã đang được gia cố bằng những khung gỗ. Để an toàn thì mình đã tránh xa những khu vực như thế khi tham quan ngôi đền.
Ta Prohm – Bí ẩn ngôi mộ cổ – niềm cảm hứng cho Hollywood
Đền Ta Prohm nằm đối diện, chếch theo phía chéo so với đền Banteay Kdei. Lại thêm một ngôi đền nữa được xây dựng theo kiến trúc Bayon và là nơi có sự thống trị của cây và đá. Nhưng khác với Banteay Kdei, Ta Prohm cho thấy sự kết hợp tài tình giữa cây và đá.
Những chiếc cây với bộ rễ khổng lồ ở đây không chịu yên phận chia đôi lãnh thổ với những ngôi đền mà chúng mọc lên từ đỉnh những ngôi đền rồi từ từ vươn bộ rễ khủng lồ của mình đi khắp nơi, dần dần nuốt trọn ngôi đền bên dưới.
Chính điều này đã mang đến cho ngôi đền thêm vẻ kỳ bí và truyền cảm hứng cho các nhà làm phim Hollywood sản xuất bộ phim Bí ẩn ngôi mộ cổ năm 2001 (Tomb Raider) do nữ diễn viên xinh đẹp và nổi tiếng Angelina Jolie thủ vai chính.
Bên cạnh sự tàn phá của thời gian thì ngôi đền cũng bị ảnh hưởng khá nhiều sau các cuộc tấn công và cướp bóc của quân Xiêm trong quá khứ. Sau khi đi hết ngôi đền này thì cũng đã hơn 11h, cả nhóm cũng đã bắt đầu thấm mệt và ra hiệu cho anh lái xe tuk tuk trở đi ăn trưa.
Ta Keo – kiệt tác còn giang dở
Sau bữa trưa nhẹ nhàng tại một nhà hàng gần đó, cả nhóm lại tiếp tục lên đường. Lần này thử thách có vẻ khó khăn hơn với ngôi đền Ta Keo. Đây là ngôi đền cao nhất trong quần thể khu di tích với ngọn tháp chính cao tới 21.6m. Việc xây dựng ngôi đền đã bị hủy bỏ giữa chừng sau cái chết của vua Jayavarman V và đây là ngôi đền duy nhất trong quần thể Angkor wat thậm chí còn chưa được trang trí.
Đường lên đỉnh đền là những bậc đá được thiết kế rất ngắn và dốc trông khá nguy hiểm. Chính vì thế khi leo lên mình đã phải rất tập trung và chậm rãi. Theo như cách giải thích của anh bạn Campuchia làm nhiệm vụ nhổ cỏ ở đền thì người Khmer quan niệm muốn lên thiên đàng phải trải qua gian nan thử thách. Và có lẽ vì thế những người thiết kế ngôi đền đã muốn thử thách bất kỳ ai muốn chinh phục nơi này.
Lost in Angkor thorm – kinh đô cuối cùng của đế chế Angkor
Lạc lối là điều đã diễn ra với bọn mình ở Angkor Thorm. Do khu vực này rất rộng, diện tích lên tới 9km2 nên để tiết kiệm thời gian thì anh tuk tuk đã thả cả bọn ở cổng chiếc thắng (Victory gate) và hẹn gặp lại ở đền Bayon. Khu vực này cũng từng là cố đô của đế quốc Angkor vào thế kỷ thứ IX, nhưng phải đến khi vua Jayavarman VII lên ngôi thì nó mới được đầu tư xây dựng một cách mạnh mẽ.
Lúc bọn mình đến đây đã gần 4h, những bước chân đã bắt đầu rệu rã sau gần 12 tiếng đi bộ và leo trèo. Sau một hồi loay hoay với tấm bản đồ của khu tham quan và đi lạc trong rừng thì bọn mình cũng đã tìm được đến Phimeanakas – ngôi đền nằm trong khuân viên của cung điện hoàng gia.
Ngôi đền được xây theo hình dạng của kim tự tháp với 3 tầng, được bao quanh bởi một hào nước (tại thời điểm mình đến là mùa khô nên không thấy nước đâu). Lối vào ngôi đền có những hàng cột trông khá thú vị, nhưng mình nghĩ rất khó để di chuyển trên những hàng cột này. Trước kia ngôi đền từng là nơi ở của nhà vua nhưng hiện nay thì nó cũng không có gì đặc sắc hơn các ngôi đền khác.
Bayon – ngôi đền hoàng gia, tuyệt đỉnh nghệ thuật kiến trúc Khmer
Người ta vẫn thường nói “Save the best for last” và điểm đến cuối cùng trong ngày của bọn mình chính là ngôi đền độc đáo nhất Angkor Thorm. Đền Bayon nằm ngay ở trung tâm của Angkor thorm, là một trong những công trình vĩ đại được xây dưới triều vua Jayavarman VII. Phong cách kiến trúc độc đáo của ngôi đền đã được áp dụng tại đền Ta Prohm và Banteay Kdei.
Ngôi đền nổi bật với 54 ngọn tháp lớn nhỏ trong đó mỗi tháp đều được điêu khắc khuôn mặt của thần Lokesvara quay về 4 phương như để thấu hiểu cuộc sống và ban phước lành cho người dân khắp vương quốc. Bức tượng phật 4 mặt với nụ cười huyền bí này như một lời chào thân ái cho du khách khi đến tham quan nền văn minh của đế chế Angkor.
Theo đánh giá chủ quan của mình thì sau Angkor Wat, đây là ngôi đền đáng tham quan nhất trong toàn thể khu di tích. Do ngôi đền chỉ mở cửa đến 17:30 nên lần tới khi ghé thăm Sieam Reap, các bạn hãy cố gắng căn thời gian để kịp tham quan ngôi đền này nhé.
Vậy là đã cùng mình phá đảo 7 ngôi đền cổ ở Xiêm Riệp trong ngày thứ 2 trên đất Campuchia. Bạn ấn tượng với ngôi đền nào nhất? hay bạn sẽ đi thăm ngôi đền nào đầu tiên khi tới Xiêm Riệp? Hãy để lại ý kiến trong phần comment để mình được biết nhé và nhớ đừng quên quay lại iTravel88s để giải mã nguồn gốc cái tên thủ đô Phnom Penh của Campuchia nhé !
Bài viết cùng chủ đề: Khám phá đền Uluwatu linh thiêng và cổ xưa trên đảo Bali TẠI ĐÂY
Bài viết cùng series: Nhật ký du Campuchia (Day 1): Sinh nhật trên máy bay và chặng sài Gòn – Xiêm Riệp TẠI ĐÂY
Bài viết mới nhất:
- Bốn tiêu chí vàng khi mua sim du lịch 4G Malaysia của iTravel88.com
- Review ứng dụng GOCheap
- “Bí mật” giúp bạn sở hữu bức ảnh vạn người mê
- Du lịch tự túc Singapore hết bao nhiêu tiền?
- Tặng bạn Voucher giảm giá 5% của Klook cho tất cả các dịch vụ du lịch
4 Các bình luận
[…] Hãy quay lại Blog của mình để khám phá 7 ngôi đền cổ tại Siêm Riệp trong ngày thứ 2 tại đây nhé […]
[…] chào các bạn! Sau khi lập kỷ lục hơn 12 tiếng đi bộ mỏi chân để phá đảo 7 ngôi đền cổ tại Xiêm Riệp thì trong ngày cuối cùng của hành trình, mình lại lập thêm một kỷ […]
[…] lịch Campuchia nhé (các bạn có thể đọc chi tiết về chuyến đi của mình part 1, part 2, part 3 […]
[…] Tháng Năm 13 2021 – Welcome Travel Tips Nhật ký du hí Campuchia 3N2Đ: (Day 3):… Nhật ký du hí Campuchia 3N2Đ: (Day 2):… 7 trải nghiệm tuyệt vời nhất của mình… Top 10 địa điểm ở Kuala lumpur […]