Chào mừng trở lại với chuyên mục “Chuyện trên đường” của iTravel88! Chắc hẳn bạn còn nhớ, trong bài viết “Penang đâu chỉ có tranh tường”, mình đã đề cập tới pháo đài Fort Cornwallis – một trong những địa điểm không thể bỏ qua khi tới Penang. Pháo đài này có một vị trí và ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với hòn đảo này. Vậy có gì đặc biệt ở đây? Hãy cùng khám phá ngay trong chuyến du lịch online 0 đồng của iTravel88 nhé!
1. Pháo đài Fort Cornwallis nằm ở đâu?
Penang nằm trên eo biển Malacca – tuyến đường hằng hải quan trọng từ Tây sang Đông. Bởi vậy nên từ xa xưa hòn đảo xinh đẹp này đã là một điểm trung chuyển rất tấp nập. Một trong những khu vực phát triển sớm và nổi tiếng nhất chính là phố cổ Geogre Town.
Thị trấn được lập bởi thuyền trưởng Francis Light năm 1896. Vào năm 2008, Geogre town đã vinh dự được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Nhắc đến đây thì hóa ra cùng với Luang Prabang, Bagan, Phượng đã vinh dự đặt chân tới 3 thành phố di sản của UNESCO rồi đó, hihi
Có rất nhiều điểm check-in nổi tiếng ở Geogre town như các bức tranh nghệ thuật, các biệt thự cổ của người Hoa, các viện bảo tàng và đặc biệt là pháo đài Fort Cornwallis nằm ở bờ biển phía Đông Bắc. Đây cũng là một trong những pháo đài lớn nhất, cổ xưa nhất còn tồn tại ở Malaysia. Với kiến trúc độc đáo bông hoa 4 cánh, bạn có thể dễ dàng nhận ra Fort Cornwallis trên google map ở chế độ bản đồ vệ tinh nhé!
2. “Lá chắn thép” bảo vệ đảo ngọc Penang
Trở lại cuối thế kỷ XVIII, những toán cướp biển vẫn đang trong thời kỳ thịnh trị. Vì thế một khu phát triển như Geogre town không thể tránh khỏi sự chú ý từ những “đồng nghiệp” của thuyển trưởng Jack Sparrow. Bên cạnh đó, những cuộc phản công của Sultan vùng Kedah – chủ nhân cũ của hòn đảo và sự cạnh tranh của người Pháp cũng đe dọa tới an toàn của hòn đảo.
Do đó, việc đầu tiên thyền trưởng Francis Light nghĩ tới là cho xây dựng một tuyến phòng thủ nhằm bảo vệ lãnh thổ vừa giành được. Thời điểm đó, tuyến phòng thủ này khá thô sơ. Công trình được bao quanh bởi những hàng cây trà là – một loài cây phổ biến tại Malaysia. Sau khi thuyền trưởng Light qua đời, những người kế tục ông vẫn tiếp tục cho nâng cấp và gia cố pháo đài.
Đến năm 1810, pháo đài kiên cố bằng gạch như ngày nay đã được hoàn thiện. Giống như các thành trì khác chúng ta thấy trên phim ảnh, Fort Cornwallis cũng từng có một hào nước sâu tới 2m bao quanh. Tuy nhiên hào nước đã bị lấp vào những năm 20 của thế kỷ trước sau khi dịch sốt rét bùng phát tại Penang. Có lẽ điều này nhằm ngăn chặn sự sinh sôi nảy nở của muỗi.
3. Công trình “phòng thủ” nhưng “không phòng thủ”
Dù được xây với mục đích phòng thủ nhưng trong suốt chiều dài lịch sử pháo đài lại hầu như không phải thực thi nhiệm vụ của mình. Nguyên nhân là bởi nó đã không gặp phải bất kỳ cuộc tấn công đáng kể nào. Kỳ tích này có lẽ đến từ uy danh của quân đội Anh trong thời kỳ này. Điều này vô tình giúp công trình giữ được sự nguyên vẹn so với kiến trúc ban đầu.
Ngoài mục đích chính, công trình cũng được sử dụng làm nơi ở và làm việc cho một số công chức người Anh. Tới đây, bạn sẽ bắt gặp những nhân viên phục vụ ăn mặc theo phong cách xưa, giúp chúng ta phần nào hình dung ra thời kỳ này. Tính đến nay công trình đã 235 năm tuổi nhưng vẫn luôn vững vàng như một minh chứng lịch sử cho sự phát triển của hòn đảo.
4. Điểm du lịch hấp dẫn tại Penang
Bên cạnh ý nghĩa lịch sử, Fort Cornwallis chính là một điểm du lịch hấp dẫn tại Penang. Nổi bật giữa khuôn viên của pháo đài là bức tượng của thuyền trưởng Francis Light – người đã đặt nền móng cho công trình. Trên những bức tường thành kiên cố là 17 họng pháo hướng thẳng ra biển.
Khẩu pháo nổi tiếng nhất ở đây là khẩu trọng pháo SRI RAMBAI. Nó được Công ty Đông Ấn Hà Lan chế tạo năm 1603 và đem tặng cho Sultan vùng Johore năm 1606. Khẩu pháo sau đó qua tay người Bồ Đào Nha trước khi thuộc về người Anh. Khác với những khẩu pháo còn lại, Sri Rambai không có dấu hiện han gỉ và vẫn giữ được dáng vẻ oai phong.
Cũng bởi sự oai phong này mà người dân địa phương có một quan niệm thú vị về SRI RAMBAI. Họ tin rằng khẩu pháo sẽ giúp những người phụ nữ hiếm muộn dễ dàng…mang thai hơn. Vì thế, khi đến đây bạn sẽ bắt gặp những bông hoa được đặt cạnh khẩu pháo như một phần của nghi thức.
Ngoài “giàn pháo thủ” tạo nên thương hiệu, những kho chứa đạn dược còn nguyên vẹn, một bảo tàng nho nhỏ và đặc biệt là cột buồm siêu to khổng lồ cũng tạo điểm nhấn cho công trình. Đây cũng là những điểm check-in không thể bỏ qua khi ghé pháo đài Fort Cornwallis.
5. Mách nhỏ cho bạn khi ghé thăm pháo đài Fort Cornwallis
Để chuyến đi thú vị hơn, dưới đây Phượng có một số lưu ý nho nhỏ cho bạn:
- Pháo đài Fort Cornwallis nằm không quá xa khu trung tâm nên bạn có thể dễ dàng tới đây. Nếu đi theo nhóm thì gọi Grab là tiện nhất.
- Ngay trước pháo đài là Tháp đồng hồ tưởng niệm Victoria, một địa điểm check-in không thể bỏ qua.
- Pháo đài nằm sát bờ biển nên tham quan xong bạn nhớ đi dạo một vòng để tận hưởng không khí trong lành ở đây nhé!
- Khuôn viên của pháo đài hơi nhỏ và ít điểm check-in nên giá vé 20RM ~115k có lẽ hơi chát. Đặc biệt là với những bạn theo trường phái du lịch tiết kiệm. Vì thế, địa điểm này sẽ phù hợp với những bạn yêu thích lịch sử như mình.
Vậy là chúng ta vừa được tìm hiểu về pháo đài Fort Cornwallis tại đảo ngọc Penang. Ấn tượng của bạn về pháo đài này là gì? Hãy để lại ý kiến trong phần bình luận hoặc fanpage Ớt Sachi – Travel Blogger để mọi được biết. Đừng quên LIKE, SHARE và SUBSCRIBE iTravel88 để được tham gia các tour du lịch online FREE trong thời gian tới nhé!
Nếu thấy bài viết này hữu ích, hãy ủng hộ Ớt Sachi một cốc Cafe nhằm duy trì hoạt động Blog nhé! Cám ơn bạn <3
Đừng bỏ lỡ: Review kinh nghiệm du lịch Penang tự túc từ A-Z TẠI ĐÂY
Bạn cũng sẽ thích: Tổng hợp những ngôi đền, chùa nổi tiếng ở Đông Nam Á TẠI ĐÂY