Chào mừng trở lại với chuyên mục “Chuyện trên đường” nơi cung cấp cho các bạn những góc nhìn đa chiều về du lịch tự túc. Trong những bài viết trước, Phượng đã nhiều lần đề cập tới sự đối lập giữa vẻ hào nhoáng của những ngôi đền với cuộc sống khó khăn của người dân Myanmar. Để bạn dễ hình dung hơn, hôm nay hãy theo chân Phượng ghé thăm ngôi làng của Zarwin, anh tài xế tốt bụng người Myanmar nhé!
Lưu ý: bài viết dựa theo ký ức về cuộc ghé thăm ngắn ngủi 30 phút về một góc ngôi làng của Zarwin nên cái nhìn sẽ mang tính chủ quan. Thêm nữa lúc đó mình không chủ động nên chụp ảnh theo cảm hứng, vì thế tư liệu có phần thiếu sót. Tuy nhiên Phượng sẽ cố gắng sắp xếp để mang tới cho bạn cái nhìn tổng quan nhất. Bây giờ hãy cùng trở lại một sáng mùa thu ở Bagan….
1. “It’s time for breakfast”
Như các bạn đã biết, tháng 11 là thời điểm lý tưởng nhất để ghé thăm Myanmar nói chung và Bagan nói riêng. Đây là lúc lễ hội khinh khí cầu diễn ra, thu hút khách du lịch tới Bagan. Hoạt động này thường kết thúc vào khoảng hơn 7h hàng ngày. Do đó đa phần du khách sẽ nhịn ăn sáng để không bỏ lỡ khoảng khắc này. Và nhóm của Phượng cũng không phải là ngoại lệ.
Sau hơn một tiếng đầy hưng phấn thì những chiếc bụng lại không hẹn mà đồng thanh réo ầm ầm như chuông báo thức. Vốn là người tinh ý (điều mà mình đúc kết sau chuyến đi) nên Zarwin đã chờ sẵn dưới chân đền. Với một nụ cười niềm nở, anh vỗ tay vào bụng như ra dấu “It’s time for breakfast now”. Mình gật gù, giơ tay LIKE, xỏ vội chiếc giày rồi lững thững bước ra bãi xe.
Chiếc xe taxi nổ máy rồi từ từ băng qua những con đường bụi đỏ. Hai bên đường là những ngôi đền thoắt ẩn thoắt hiện sau những lùm cây. Khu vực này dường như không có dân cư sinh sống vì thế hàng quán phải đi xa chừng 15 phút. Chiếc xe dừng lại trước một quán ăn mái lá đơn sơ. Zarwin cho biết nhà anh ngay gần đây nên ăn sáng xong mọi người có thể vào đánh răng rửa mặt và thay đồ. Quả là một tài xế có tâm.
2. Bánh mì trứng phong cách Miến Điện
Đập ngay vào mắt thực khách là một Menu siêu to khổng lồ. Ker mà có gì sai sai khi nó thực sự đánh đố du khách với những dòng chữ ngoằn ngoèo mà mình thấy chữ nào cũng giống nhau. Cả bọn nhìn nhau mắt chữ O, mồm chữ A không biết nên gọi món gì. Một lần nữa Zarwin lại trợ giúp vì chủ quán không biết tiếng anh.
Sau khi được tư vấn, mình đã mạnh dạn chọn combo bánh mì trứng + trà sữa. Nghe có vẻ rất ra gì và này nọ, thế giới phẳng là đây, chuẩn bài Việt Nam phải không nào? Thế nhưng khi chủ quán lên món thì mình mới giật mình ngã ngửa :)) Hóa ra không phải chiếc bánh mì trứng truyền thống như của chúng ta.
Thay vào đó, họ dùng lát bánh mì gối và phần trứng bằng một cách nào đó sẽ được tẩm bên ngoài trước khi chiên lên. Chính vì thế mà lát bánh ăn có phần rất ngậy nên mình phải vật vã mới chén hết được suất ăn với hai lát. Nhưng bù lại, chén trà sữa kèm theo ngon thật. Tuy có hơi ngọt xíu nhưng đúng là hương vị khác biệt. Bảo sao mọi người thường mua về làm quà khi đi Myanmar.
3. Một góc ngôi làng của người Myanmar
Lúc mới xuống xe, mình để ý thấy Zarwin gọi điện cho ai đó. Và giờ khi mọi người đã ăn xong, anh lại gọi một cuộc khác. Không biết anh trao đổi với ai và nói những gì, chỉ biết vẫn với vẻ niềm nở, anh dẫn mọi người lên xe tiếp tục hành trình. Đi khoảng 5 phút, qua một vài khúc qua quanh co, Zarwin ra dấu là đã tới nhà anh.
Nhưng chiếc xe lại lướt qua ngôi nhà, đến cuối con đường và dừng lại trước một bờ sống. Lúc này anh mới nói rằng vợ anh vẫn chưa dọn dẹp xong nên mọi người chờ ở đây thêm 10 phút. Đúng là một phong cách vô cùng lịch sự của người bạn này.
Trong lúc chờ đợi, mình có thời gian để tận hưởng không khí trong lành với những cơn gió thổi vào từ con sông Ayeyarwaddy. Xa xa là những ngôi nhà mái lá rất đơn sơ. Zarwin đứng chờ trong một quán nước nhỏ, hình ảnh làm mình nhớ tới những bến sông ở nước ta cách đây phải hơn chục năm. Hai đứa trẻ, có vẻ là hai anh em trông đang rất tò mò khi cùng người mẹ chờ đò qua sông.
Ở một góc gần đó, không khí sôi động hơn. Những người đàn ông đang chơi bóng chuyền trong trên bãi đất trống. Một số di chuyển khá linh hoạt dù mặc nguyên chiếc longyi trông có phần lụng thụng. Tiếng hò reo, cổ vũ rất náo nhiệt của một số ít khán giả như khiến đây giống như một trận cầu chuyên nghiệp vậy.
4. “Một túp lều tranh, hai quả tim vàng”
Và bây giờ chính là giây phút mình mong chờ nhất từ sáng tới giờ. Một nơi để trút bầu tâm sự vào lòng đất cũng như không gian đủ kín để thay bộ quần áo cho thoải mái, phù hợp với một ngày chạy xô.
Ngôi nhà của Zarwin trông khang trang hơn một chút so với những người hàng xóm. Có lẽ một phần do anh có công việc ổn định so với mọi người. Nói là vậy nhưng nhà cũng rất thô sơ. Từ cửa bước vào là một hành lang nhỏ rộng chưa tới 2m. Bên phải là hai căn phòng nhỏ, một của vợ chồng anh, cái còn lại là của hai cậu con trai. Sáng nay hai cậu nhóc vẫn đi học nên chỉ có vợ Zarwin ở nhà. Ngôi nhà đã được dọn dẹp khá tươm tất để chào đón những người “khách quý”.
Khu nhà tắm và vệ sinh nằm ở phía sau ngôi nhà. Đây cũng là nơi hiếm hoi trong khuân viên ngôi nhà có một khoảng trống, đón lấy ánh sáng của mặt trời. Nước ở đây được lấy trực tiếp từ mạch nước ngầm nên cực kỳ mát lạnh làm mình rất sảng khoái và tỉnh táo.
Trong gian buồng nho nhỏ ngay đó, mình thấy những khúc Thanaka xếp gọn gàng. Vốn tính tò mò nên mình có hỏi qua chị vợ cách dùng. Do không biết tiếng anh nên chị rất nhiệt tình giải thích bằng body language. Sau đó chị lấy cối và xay bột Thanaka, thoa lên mặt để minh họa.
Tuy rất hào hứng nhưng không hiểu sao lúc đó mình lại từ chối bôi lên mặt làm mọi người được một tràng cười sảng khoái. Tiếng nói cười rộn ràng vang lên như sưởi ấm cả ngôi nhà nhỏ bé.
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng cả hai vợ chồng Zarwin đã sát cánh và luôn yêu thương nhau suốt 10 năm qua. Đúng là “một túp lều tranh, hai quả tim vàng” là đây chứ đâu!
5. Thay cho lời kết
Rời tổ ấm nhỏ bé, năm người bọn mình lại chen nhau trên chiếc taxi của Zarwin đã nổ máy sẵn mát rượi bên ngoài. Những lời tạm biệt và cái vẫy tay chào. Dù chỉ diễn ra trong vỏn vẹn 30 phút ngắn ngủi nhưng cuộc sống ngôi làng của người Myanmar đã để lại trong mình những ấn tượng khó phai.
Một không khí lạc quan yêu đời tràn ngập muôn nơi, đối lập hoàn toàn so với cái nghèo đã và đang bủa vây xung quanh. Hạnh phúc đối với họ thật là bình dị và đáng quý. Chỉ mong hai đứa trẻ ở bến sông cũng như những người con của Zarwin sẽ có một tương lai sung túc hơn.
Còn bây giờ, chiếc xe vẫn bon bon, hướng về phía chùa Shwezigon ở Old Bagan. Trước mắt mình hứa hẹn là một ngày rất dài…
Trên đây bạn đã đồng hành cùng Phượng qua chuyến ghé thăm một ngôi làng của người Myanmar . Ấn tượng của bạn là gì? Hãy để lại ý kiến đóng góp trong phần bình luận hoặc fanpage để mọi cùng trao đổi. Đừng quên LIKE, SHARE và SUBSCRIBE iTravel88 để ủng hộ mình có thêm động lực viết bài chia sẻ nhé!
Nếu thấy câu chuyện này thú vị, hãy ủng hộ mình một cốc Cafe nhằm duy trì hoạt động Blog nhé! Cám ơn bạn <3
Đừng bỏ lỡ: Những sự thật thú vị về đất nước Myanmar TẠI ĐÂY
Bạn cũng thích: Tản mạn về những mẩu chuyện du lịch đáng nhớ TẠI ĐÂY