Cuối cùng mình đã hạ cánh xuống Bali – thiên đường của xứ sở nhiệt đới sau một ngày quá cảnh ở Kuala lumpur. Lúc này mới 20h30 nhưng sân bay quốc tế Ngurah Rai không quá đông. Tuy nhiên thủ tục nhập cảnh lại lâu hơn mình nghĩ. Tính cả thời gian đợi Grab sau đó thì phải gần 2h sau bọn mình mới về tới khách sạn. Check-in xong xuôi, mình lăn ra rồi thiu thiu ngủ lúc nào không hay. Trong giấc mơ chập chờn là cuộc khám phá đền Uluwatu – ngôi đền linh thiêng và cổ xưa ở đảo Bali…
1. Buổi sáng đầu tiên ở Bali
Có lẽ do hôm qua đi ngủ sớm, cộng thêm háo hức trong lòng nên mình đã dậy từ rất sớm. Buổi sáng ở Bali không khí thật trong lành. Khu resort mình ở nhà không quá cao, chỉ tầm 3 tầng đổ lại. Bên ngoài các ngôi nhà được trang trí với những hoa văn đặc trưng, xuất hiện phổ biến ở Bali.
Sau khi tắm giặt cho sảng khoái, mình xuống đi bộ một vòng trong lúc đợi mọi người xuống ăn buffet sáng ở khách sạn. Ăn sáng xong xuôi, cũng là lúc điện thoại rung lên. Liếc qua màn hình, thì ra đó là tin nhắn của Ary (- anh lái xe người bản địa) :“I’m waiting at reception”
Woa! nhanh hơn mình tưởng. Và 15 phút sau, cả bọn đã yên vị trên chiếc xe 7 chỗ của Ary để sẵn sàng ghé thăm đền Uluwatu.
2. Học cách sống chậm ở Bali
Đền Uluwatu nằm ở phía cực Tây Nam đảo Bali nên nó cực kỳ dễ nhận biết trên bản đồ. Từ khu vực Kuta mình ở tới đó khoảng 23km. Những cây nêu đu đưa trong gió dọc hai bên đường hòa cùng những tiếng nhạc địa phương tạo nên một không khí lễ hội trên đường đi.
Có một TIPS bạn cần chú ý khi đi Bali là đừng dựa theo khoảng cách google để lên lịch trình nhé. Đó là bởi đường ở Bali khá nhỏ và không có nhiều cao tốc như ở Việt Nam. Trong khi đó mật độ phương tiện lại khá đông vì lượng khách du lịch lớn. Vì thế việc di chuyển ở đây rất chậm và tắc đường được coi là một đặc sản.
Dù đã tìm hiểu trước nhưng mình cứ nghĩ là “tắc đường nó chừa mình ra”. Đúng là một suy nghĩ tai hại! Hóa ra không chỉ Hà Nội và Bali cũng không vội được đâu! Chắc đó cũng là lý do mọi người thường đi Bali cả tuần để học cách sống chậm và tận hưởng cuộc sống, thiên nhiên ở đây.
3. Màn hóa trang với chiếc đai của người bản địa
Chiếc xe dừng lại ở bãi đỗ. Vừa bước ra khỏi cửa mình phải thốt lên:” Thiên đường là có thật!”. Bầu trời trong xanh, gió mát lạnh từ biển thổi vào làm mình quên mất giờ đang là giữa mùa hè. Những cành hoa sứ trụi lá, nổi bật trên nền trời làm mình liên tưởng tới những rặng san hô ngoài biển khơi.
Sau khi mua vé, du khách sẽ được phát một chiếc đai màu da cam để thắt ngang lưng. Các bạn nữ lưu ý phải mặc váy qua đầu gối nhé! Dù đã lường trước điều này nhưng cái váy của mình vẫn không thể qua được vòng gửi xe. Rất may chiếckhăn choàng thần thánh của mình đã phát huy tác dụng đúng lúc. Thật tình cờ và thật bất ngờ khi nó lại khá ăn nhập với chiếc đai đuợc phát kia!
Và giờ là lúc khám phá ngôi đền Uluwatu độc đáo, cách đó chỉ 500m đi bộ nữa thôi, hihi
4. Vẻ đẹp độc đáo của đền Uluwatu
4.1. Nguồn gốc và ý nghĩa tên của ngôi đền
Thông qua lời kể của Ary mình mới biết Uluwatu là tên gọi của khu vực này, còn ngôi đền có tên đầy đủ là Pura Luhur Uluwatu. Ngôi đền Hindu này được xây vào thế kỷ thứ X. Nó được coi là tấm khiên bảo vệ hòn đảo khỏi linh hồn của quỷ dữ đến từ biển cả. Chính vì thế mà đây là một trong 9 ngôi đền quan trọng bậc nhất ở Bali.
Ngôi đền được xây dựng trên một vách đá chênh vênh cao tới 70m hướng thẳng ra biển. Trông nó hùng vĩ giống với vách đá xuất hiện trong cảnh cuối clip “My love” đình đám của Westlife. Đúng là cái tên nói lên tất cả! Sự độc đáo về mặt địa lý này đã được người xưa thể hiện qua cách đặt tên ngôi đền.
Theo đó “Ulu” có nghĩa là sự kết thúc của mặt đất (land ends), còn “Watu” có nghĩa tảng đá (rock). Nghe qua thì rất dễ hiểu, ker mà mình cũng không biết dịch ra tiếng Việt sao cho cool ngầu nữa. Vì thế bạn cứ hiểu nôm na đây là vách đá ở vùng đất tận cùng trên đảo Bali nhé :))
4.2. Kiến trúc độc đáo của ngôi đền
Trước lối vào có một bia đá giới thiệu về ngôi đền bằng tiếng Indo và một thứ tiếng khác (mình đoán chắc là Ấn Độ vì đây là một ngôi đền Hindu). Ngôi đền được xây dựng từ loại đá san hô đặc biệt có màu đen. Nhờ đó mà ta có thể thấy được những dấu tích của thời gian đã hiện lên qua những lớp đá bạc màu. Cánh cổng ngôi đền vẫn là kiến trúc cổng trời đặc trưng ở Bali, được chạm khắc những hoa văn tinh xảo.
Có một sự thật ngã ngửa là du khách không được phép vào bên trong khuôn viên ngôi đền. Khu vực này chỉ dành cho những người theo đạo Hindu đến làm lễ mà thôi, hiuhiu. Đây đúng là điều làm mình cực kỳ tiếc nuối. Tuy nhiên việc đi xung quanh và ngắm nhìn ngôi đền từ xa hóa ra cũng rất thú vị.
Chạy dọc theo vách đá về hai phía của ngôi đền là con đường đá thơ mộng với những khóm hoa giấy rực rỡ đủ sắc màu. Từ đây nhìn xuống biển là làn nước xanh như ngọc, đang tung những đợt sóng trắng xóa vào chân vách đá tạo nên một cảnh tượng hùng vĩ.
Ở góc view này, ngôi đền nổi bật với chiếc mái 3 tầng lớp bằng lá cọ xếp chồng lên nhau trông giống như một cây nấm khổng lồ. Chắc chắn người Indo sở hữu một bí mật xây dựng để giúp tầng lá cọ này đứng vững trước những cơn bão từ biển khơi. Tuy không hùng vĩ như Angkor Wat, không lấp lánh như chùa vàng Kyaikhtiyo ở Myanmar, nhưng Uluwatu vẫn để lại cho mình một ấn tượng sâu đậm. Có lẽ nó đến chính từ sự đơn giản từ những tấm lá cọ kia.
4.3. Hoàng hôn – khoảnh khắc đẹp nhất trong ngày
Uluwatu cũng chính là một trong những địa điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất trên đảo Bali. Trong thời khắc cuối cùng trong ngày, trời- đất -biển như hòa vào làm một tạo nên một khung cảnh huyền ảo. Tuy nhiên đấy là những gì mình được nghe chứ chưa được chứng kiến á.
Lý do thì chắc hẳn bạn cũng lờ mờ đoán ra. Do có quá ít thời gian nên mình đã phân bổ lịch trình để đón hoàng hôn ở một địa điểm khác là đền Tanah Lot. Lần tới đến Bali, mình nhất định sẽ quay lại Uluwatu để chiêm ngưỡng khoảnh khắc độc đáo này.
5. Mách nhỏ cho bạn
Để chuyến ghé thăm đền Uluwatu được trọn vẹn, mình xin mách thêm cho bạn một số lưu ý nhỏ sau:
- Các bạn nữ nếu mặc váy phải qua đầu gối. Trường hợp ngắn quá có thể mượn một chiếc sà rông ở điểm bán vé hoặc mang theo một chiếc khăn dự phòng như mình.
- Khu rừng quanh đền Uluwatu là nơi sinh sống của rất nhiều khỉ hoang. Chúng rất nổi tiếng về độ hung dữ và nghịch ngợm. Vì thế hãy để ý tới vật dụng cá nhân như túi xách, điện thoại,…khi tới đây.
- Khu vực làm lễ trong đền chỉ dành cho những người theo đạo Hindu. Vì thế bạn hãy chuẩn bị sẵn tinh thần để không bị giật mình ngã ngửa như mình nhé!
- Khi chụp ảnh, hãy chú ý đừng chụp chính diện những người đang làm lễ!
Trên đây là chuyến ” Khám phá đền Uluwatu – ngôi đền linh thiêng và cổ xưa ở Bali ” của mình. Ở hòn đảo xinh đẹp này còn rất nhiều điều thú vị khác đang chờ đón. Vì thế đừng quên LIKE, SHARE và SUBSCRIBE để nhận được những câu chuyện mới nhất từ ỉTravel88 nhé !
Đừng bỏ lỡ: Kinh nghiệm du lịch Bali tự túc từ A-Z TẠI ĐÂY
Bạn cũng sẽ thích: Khám phá Khải hoàn môn Patuxai – Biểu tượng chiến thắng của người Lào TẠI ĐÂY
Bài viết mới nhất:
- Bốn tiêu chí vàng khi mua sim du lịch 4G Malaysia của iTravel88.com
- Review ứng dụng GOCheap
- “Bí mật” giúp bạn sở hữu bức ảnh vạn người mê
- Du lịch tự túc Singapore hết bao nhiêu tiền?
- Tặng bạn Voucher giảm giá 5% của Klook cho tất cả các dịch vụ du lịch