Từ thời xa xưa, Bắc Ninh đã nổi tiếng là một mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với những làn điệu dân ca quan họ, các di tích gắn liền với triều đại nhà Lý và các làng nghề,… Chỉ cách nhà Phượng vài km, ở phía “Bên kia sông Đuống” là làng tranh Đông Hồ, cũng là quê gốc của cố thi sĩ Hoàng Cầm. Ngày hôm nay, hãy cùng mình qua sông một chuyến để tìm hiểu về tranh Đông Hồ, một trong những nét đẹp văn hóa của quê hương Kinh Bắc nhé!
Mục lục đọc nhanh
- “Ngày lấy chồng, em đi qua con đê”
- Món quà không thể thiếu ngày tết
- “Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”
- Công nghệ photocopy thủa sơ khai
- Làng tranh Đông Hồ ngày nay
- Làm sao để tìm hiểu sâu hơn về tranh Đông Hồ?
- Các địa điểm du lịch khác ở Thuận thành
“Ngày lấy chồng, em đi qua con đê”
Làng tranh Đông Hồ nằm ngay sát chân đê Đuống đoạn qua xã Song Hồ, huyện Thuận Thành. Từ Hà Nội, bạn có thể đi theo theo lối quốc lộ 5, sau đó rẽ vào Đặng Xá, Gia Lâm đi thêm tầm 20km nữa. Thời gian đi mất khoảng 45-60 phút nên rất phù hợp cho chuyến giã ngoại trong ngày.
Có thể nói lúc sinh thời nhà thơ Hoàng Cầm rất ưu ái mảnh đất quê hương. Ngoài “bên kia sông Đuống” thì hình ảnh “ngày lấy chồng, em đi qua con đê” trong Lá diêu bông có lẽ cũng được cố thi sĩ lấy cảm hứng từ đoạn đê Đuống chạy qua xã Song Hồ.
Món quà không thể thiếu ngày tết
Tranh Đông Hồ là một dòng tranh dân gian phản ánh cuộc sống của người Việt Nam trong quá khứ. Có rất nhiều chủ đề như đời sống sinh hoạt, ngụ ngôn, tranh trang trí, chuyện lịch sử… Qua những lời kể của ông Phượng, trước kia tranh được bán chủ yếu vào dịp tết bởi lẽ người dân có thói quen mua tranh về dán lên tường, hết năm mới lột bỏ treo tranh mới.
Do đó tranh Đông Hồ từng là vật trang trí không thể thiếu trong dịp tết. Mỗi khi nhìn thấy tranh là đã thấy Tết gõ cửa từng nhà. Nó như một dấu hiệu của không khí lễ hội vậy.
“Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”
Bên cạnh giá trị đời sống tinh thần thì chất liệu làm nên tranh Đông Hồ cũng góp phần tạo ra nét độc đáo của bức tranh. Điều này được nhà thơ Hoàng Cầm miêu tả rất rõ trong hai câu thơ:
“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp!”
Theo truyền thống, tranh được làm 100% từ các chất liệu tự nhiên. Màu sắc dùng cho bức tranh được tận dụng từ các nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên. Ví dụ: màu xanh được lấy từ lá cây, màu đen từ than tro, màu vàng từ hoa hòe, màu đỏ từ sỏi son, … Cũng bởi vậy mà ngay từ chất liệu, bức tranh đã mang trong mình hồn túy của dân tộc.
Loại giấy điệp dùng để vẽ tranh được làm một cách hoàn toàn thủ công. Đầu tiên người ta sẽ tạo ra một hỗn hợp gồm bột điệp (loại bột nghiền từ vỏ con điệp) và hồ dán. Sau đó hỗn hợp này sẽ được dùng để quét lên mặt giấy dó (loại giấy được làm từ vỏ cây dó)để tạo ra giấy điệp. Chính lớp bột điệp này sẽ tạo độ nhám, giúp màu sắc bám chắc trên bề mặt bức tranh.
Và dưới tác động của ánh sáng, bức tranh cũng trở nên lấp lánh và sáng bừng như miêu tả của nhà thơ Hoàng Cầm Nghe tới đây Phượng thực sự cảm thấy ngưỡng mộ sự tài tình và óc sáng tạo của ông cha ta ngày xưa.
Quy trình làm tranh: công nghệ photocopy thủa sơ khai
Có thể nói không ngoa khi làng tranh Đông Hồ là một trong những cái nôi của nghề photocopy. Điều này được thể hiện rất rõ qua cách các bức tranh được sản xuất hàng loạt. Nhằm tạo ra số lượng lớn các bức tranh phục vụ ngày tết thì người xưa sử dụng rất nhiều ván in tranh.
Ban đầu các nghệ nhân sẽ vẽ các bản in lên gỗ, thường là gỗ thị. Sau đó sẽ chạm khắc để giữ lại phần chính của bức tranh. Điều đặc biệt là một bức tranh có bao nhiêu màu sẽ có tương ứng từng đó bản in. Mỗi bản in sẽ có duy nhất phần liên quan tới màu đó. Ví dụ bức em bé và chú ngỗng bên trên sẽ có 4 bản in tương ứng với màu trắng, nâu đỏ, đen, xanh.
Các nghệ nhân sau khi đóng hàng loạt một màu phải chờ giấy khô mới đóng tiếp màu khác. Đây cũng thể hiện sự chuyên môn hóa cao khi nhiều người có thể cùng tham gia. Công nghệ tuy thô sơ nhưng độ chính xác lại rất cao. Điều này cho thấy tay nghề điêu luyện của các nghệ nhân.
Làng tranh Đông Hồ ngày nay
Ngày nay trong vòng xoáy kim tiền, thói quen treo tranh ngày tết cũng dần mai một. Do đó làng tranh Đông Hồ cũng đã thay đổi khá nhiều để sinh tồn. Đa số các hộ dân trong xã đã chuyển sang nghề khác để mưu sinh, chỉ còn lại một số ít nghệ nhân vẫn tiếp tục truyền thống cha ông.
Ngoài những bức tranh theo lối cổ, các nghệ nhân vẫn liên tục sáng tác để cho ra các sản phẩm mới phù hợp với thời thế. Có thể kể đến như bức tranh “Chùa dâu” của nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh (con dâu nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam).
Làm sao để tìm hiểu sâu hơn về tranh Đông Hồ?
Ở thời điểm thương mại điện tử bùng nổ như hiện nay, bạn có thể dễ dàng tìm mua những bức tranh Đông Hồ với vài cú click chuột. Nhưng để tìm hiểu sâu về tranh Đông Hồ thì cách tốt nhất là tìm gặp các nghệ nhân.
Bạn có thể đến trung tâm giao lưu văn hóa dân gian của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế – một nơi giống như bảo tàng thu nhỏ về tranh Đông Hồ hoặc ghé thăm nhà nghệ nhân Nguyễn thị Oanh tại xã Song Hồ. Ngoài ra tại Bảo tàng dân tộc học trên đường Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy cũng có một không gian trưng bày về tranh Đông Hồ.
Các địa điểm du lịch khác ở Thuận Thành
Bên cạnh làng tranh Đông Hồ, huyện Thuận Thành còn rất nhiều điểm du lịch văn hóa hấp dẫn khác. Có thể kể đến như Lăng Kinh Dương Vương, chùa Bút Tháp, chùa Dâu, thành cổ Luy Lâu (nơi phật giáo được truyền vào Việt Nam đầu tiên),…
Trong tương lai khi dự án cầu Phật Tích – Đại Đồng Thành hoàn thiện, sẽ kết nối thêm các địa điểm như chùa Phật Tích, Hội Lim, Đền Đô,… Đây cũng là một trong những chiến lược thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh Bắc Ninh.
Vậy là bạn vừa cùng iTravel88 tìm hiểu về làng tranh Đông Hồ, một nét đẹp của quê hương Kinh Bắc. Ấn tượng của bạn về dòng tranh dân gian này là gì? Hãy chia sẻ cảm nhận trong phần bình luận nhé! Nếu thấy bài viết hữu ích hãy LIKE, SHARE để ủng hộ mình có động lực viết bài chia sẻ tiếp nhé!
Bài viết gần đây: Khám phá khải hoàn môn Patuxai – biểu tượng chiến thắng của người Lào
Bài được yêu thích: Hành trình trở thành Travel Blogger của một đứa mù IT
#day1 #21ngaysangtaonoidung
2 Các bình luận
Mấy năm trước mình đi thăm làng tranh có mua quyển số tay, về nâng niu không dám viết gì, vì tiếc cái giấy rám rám, thô thô, mà mềm mại vô cùng ấy 😀
Đến giờ sổ vẫn còn nguyên hihi.
Hihi, e thì mua bức Cá chép đàn và Đám cưới chuột về treo ở nhà, giờ nhìn vẫn thấy ưng chị ạ ^ ^