Một ngày cuối tháng 6/2020, mình quyết định xách balo lên và đi. Điểm đến lần này không phải là những nơi hit hot trong dịp hè như Đà Nẵng, Quy Nhơn,… mà là Quảng Bình. Thật bất ngờ khi chuyến đi đó lại thành công rực rỡ. Cái nhìn của mình về mảnh đất miền Trung này cũng thay đổi hoàn toàn kể từ đó. Hãy khám phá ngay bài review kinh nghiệm du lịch tự túc Quảng Bình, chơi gì ở đâu trong nửa ngày của mình nhé!
Mục lục đọc nhanh
- “Chang chang cồn cát, nắng trưa Quảng Bình“
- Du lịch tự túc Quảng Bình: chơi gì ở đâu?
- Bữa trưa thanh đạm mùa dịch
1. “Chang chang cồn cát, nắng trưa Quảng Bình”
Trước khi lên đường mình đã được nghe “Chang chang cồn cát, nắng trưa Quảng Bình” và những lời cảnh báo về độ “hot” ở đây. Thế nhưng, khinđặt chân tới đây trời vẫn còn sớm nên có vẻ lời đồn đó chưa ứng nghiệm. Thành phố Đồng Hới nhỏ nhỏ xinh xinh, khá thông thoáng, sạch sẽ, không khí buổi sáng rất trong lành. Nhìn qua mới chỉ 05h25, vậy là còn 2 tiếng nữa mới tới giờ bên Công ty tour đến đón.
Do đó bọn mình tranh thủ đi dạo và tìm quán ăn sáng. Sau một hồi đi lòng vòng, mình đã tìm được một quán bún trên đường Hai Bà Trưng. Chị chủ quán với nước da hơi sạm do nắng gió của mảnh đất miền Trung, niềm nở chào đón những vị khách đầu tiên trong ngày. Tô bún trộn to đùng, đầy đủ gia vị và một ly sâm dứa là khởi đầu tuyệt vời cho một ngày mới.
Ăn xong vẫn còn sớm nên bọn mình sang quán Cộng gần đó nhâm nhi và thay đồ trước khi lên đường. Gần 7h30 tiếng chuông điện thoại vang lên. Bên kia là một giọng nam rối rít xin lỗi vì đến trễ 2 phút. Khi xe đến, mình rất bất ngờ khi tour sáng nay chỉ có hai đứa mình cùng một xế, một guide. Woa, giá quá hời cho một chiếc tour tự túc với giá chỉ 700k/người.
2. Du lịch tự túc Quảng Bình: chơi gì ở đâu?
2.1. Sự tích bãi đá nhảy
Tour bọn mình đi trong sáng hôm đó là tour dọc theo tuyến ven biển. Trước khi đến điểm dừng chân đầu tiên, anh guide với chất giọng toát lên sự chân chất, bình dị của người Quảng Bình đã kể cho bọn mình nghe về sự tích cái tên bãi đá nhảy.
Ở bãi biển này các tảng đá có nhiều hình thù khác nhau, nằm rải rác chứ không tập trung ở một chỗ. Vì thế khi ngư dân đi biển về lúc sáng sớm, từ xa xa họ trông thấy những tảng đá như đang nhảy múa, nô đùa với những con sóng. Đó là lý do mà người ta gọi đây là bãi đã nhảy.
Thời điểm mình đi thì các hoạt động du lịch cũng không đông đúc do tình hình dịch covid. Do đó bọn mình tự do tham quan và khám phá bãi biển này. Rất tiếc một chút là trời hôm đó hơi xám xịt nên lên hình không được đẹp cho lắm.
2.2. Có một Geogre town ở làng bích họa Cảnh Dương
Anh tour Guide đúng là một người làm du lịch có tâm. Trước khi đến điểm tiếp theo anh đã bật bài “Quảng Bình quê ta ơi” trong đó có câu mở đầu lời ba: “có ai về Cảnh Dương quê tôi đứng nơi đầu sóng gió” để giới thiệu về điểm đến tiếp theo. Đó chính là làng bích họa Cảnh Dương!
Với vị trí vừa gần biển vừa gần sông nên từ xa xưa nghề chài lưới ở đây đã rất phát triển. Cuộc sống người dân cũng vì thế mà khấm khá. Nhằm phát triển du lịch địa phương, các nghệ sỹ đã quy tụ về đây để cùng vẽ nên nhưng bức tranh tường độc đáo. Những bức tranh chủ yếu miêu tả đặc trưng đời sống lao động của người dân vùng biển.
Bên cạnh đó còn có các bức tranh sinh vật biển, bảo vệ môi trường, đấu tranh cách mạng,… Những tác phẩm độc đáo này làm mình nhớ tới những bức tranh nghệ thuật ở Penang. Đúng là không sai khi nói có một Geogre town thu nhỏ ở làng chài Cảnh Dương này!
Xem thêm: Du lịch Malaysia: Penang đâu chỉ có tranh tường
2.3. Linh thiêng nơi an nghỉ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Điểm đến mình háo hức nhất chính là Vũng Chùa – Đảo Yến, nơi an giấc nghìn thu của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đến đây mình lại biết được một câu chuyện cảm động nữa qua lời kể của anh tour guide. Thời điểm Đại tướng qua đời,Quảng Bình đã xảy ra một cơn bão lớn làm mất điện, internet trên diện rộng. Do đó phải gần một tuần sau đó, nhiều người dân nơi đây mới biết tin về sự ra đi của người con quê hương.
Trước kia khu lăng mộ được đơn vị Bộ đội biên phòng Quảng Bình ngày đêm canh giữ. Nhưng từ năm 2019, việc này đã được bàn giao lại cho địa phương và gia đình Đại tướng quản lý. Vì thế thật không may khi mình đến đây lại không thể vào tận nơi để dâng hương tưởng niệm. Do đó mình đã đi bộ xung quanh, ngắm nhìn quang cảnh yên bình nơi an nghỉ của Người.
2.4. Đền thờ bà chúa Liễu Hạnh
Chiếc xe tiếp tục ngược về phía ra Bắc và rẽ phải ngay trước khi đi qua hầm Đèo Ngang. Đây là khu vực đền thờ chúa Liễu Hạnh. Mình đã biết từ lâu bà chúa là một trong tứ bất tử theo quan niệm của người Việt cùng với Đức Thánh Tản, Thánh Gióng và Chử Đồng Tử, nhưng hôm nay mới có cơ hội đến đây.
Ngôi đền linh thiêng này nằm ngay dưới chân núi Hoành Sơn. Vì thế ngày xưa ai qua lại nơi này cũng thường vào cầu an mỗi khi vượt đèo. Ngày nay ngôi đền đã được trùng tu, mở rộng thêm khá nhiều so với trước. Tuy nhiên đây vẫn là một điểm đến cầu bình an của rất đông người dân.
2.5. “Bước tới đèo Ngang bóng xế tà”
Cổng trời hay đỉnh đèo Ngang chính là điểm đến cuối cùng trong hành trình sáng hôm đó của mình. Nhận thấy hai đứa mình đã thấm mệt sau khi cảm nhận được cái nắng nóng của Quảng Bình. Anh tour guide lại pha trò với một câu chuyện cười làm mình tỉnh cả ngủ.
Chả là con đường lên cổng trời vốn là đường cũ để đi qua đèo Ngang khi chưa có hầm. Hiện giờ đoạn đường này khá hoang vắng và ít người qua lại, hai bên cỏ mọc um tùm vào mùa hè. Hai năm trước có hai bạn nữ cũng đi tour lẻ như bọn mình. Khi đi đến đoạn này họ bắt đầu trở nên căng thẳng.
Đến pha bẻ lái từ đường chính vào đoạn nhánh dẫn tới cổng trời thì cả hai la hét toán loạn. Hỏi ra mới biết thấy bối cảnh drama quá nên họ tưởng hai anh zai định cho họ “lên đỉnh” ở đây.
“Mà đúng là lên đỉnh thật” – anh cười sảng khoái. Đây chính là đỉnh cao nhất mà ngày xưa phượt thủ nào cũng phải đi qua nếu muốn vượt Hoành Sơn. Tại đây vẫn còn chiếc cổng gác từ thời xưa mà dân gian quen gọi là “Cổng trời”. Bà Huyện Thanh Quan khi đi qua đây đã gieo những vần thơ kinh điển vào lòng bao thế hệ học sinh Việt Nam: “Bước tới đèo Ngang bóng xế tà”
3. Bữa trưa thanh đạm mùa dịch
Trong lịch trình còn một điểm nữa là đồi cát Quang Phú, nhưng mình nhận thấy vậy là quá đủ cho một buổi sáng. Vì thế chuyến đi kết thúc bằng bữa trưa thanh đạm mùa dịch trên đường về. Dù chỉ có 4 người nhưng đồ ăn khá đầy đặn với tôm rang thịt, trứng rán, bát canh chua và đĩa muống xào.
Với mình đây là một bữa ăn thật đặc biệt của chuyến đi cùng những người bạn làm du lịch. Pha lẫn sự lạc quan, khôi hài trong từng câu nói là ánh mắt xa xăm khi mà mùa mưa tới họ sẽ phải tạm rời xa công việc du lịch để về quê làm ăn do vắng khách du lịch. Nghe đến đây mình lại càng cảm phục sự nhiệt tình và yêu nghề của hai người trong suốt chuyến đi.
Trên đây là bài review kinh nghiệm du lịch tự túc Quảng Bình: Chơi gì ở đâu trong nửa ngày của mình. Bạn đã tới Quảng Bình chưa? Hãy chia sẻ chuyến đi của bạn trong phần bình luận để mọi người cùng biết nhé! Nếu thấy bài viết hữu ích, hãy LIKE, SHARE để mình có thêm động lực viết bài chia sẻ nhé!
Đừng bỏ lỡ: Quảng Bình du hí (day 2): Khám phá sông Chày – hang Tối, động Thiên Đường TẠI ĐÂY
Xem thêm: Top 10 amazing things to do in Quang Binh (bản tiếng anh) TẠI ĐÂY
Có thể bạn quan tâm: Hành trình trở thành Travel Blogger từ một đứa mù công nghệ của mình TẠI ĐÂY
#day19 #21ngaysangtaonoidung