Xin chào! mình là Hiếu, Co-founder của iTravel88! Nhà vật lý thiên tài Stephen Hawking từng nói “Không gì tốt hơn việc đọc và hấp thu càng ngày càng nhiều tri thức”. Đây cũng là động lực để mình xây dựng một tủ sách với hơn 200 cuốn trong 5 năm qua. Trong những ngày Hà Nội phải giãn cách vì Covid-19, giá trị của tủ sách này lại một lần nữa được củng cố. Nó đã trở thành thư viện mini cho mình và toàn thể gia đình, đặc biệt là hai đứa cháu đang học cấp 1, với nhiều kiến thức bổ ích. Nếu muốn biết mình đã xây dựng tủ sách này bằng cách nào, thì đừng bỏ qua bài viết này nhé!
Thực ra nói là 5 năm thì cũng chưa thật chính xác, vì những cuốn sách của mình cũng đã bắt đầu được sưu tầm từ thời sinh viên. Tuy lúc đó lượng sách là chưa nhiều, nhưng một cơ số trong đó vẫn còn cho tới nay. Chính vì thế, mình sẽ vẫn nói tới giai đoạn đó như một phần trong hành trình của bản thân. Câu chuyện bắt đầu từ….
1. Những hiệu sách cũ ở Đường Láng
Có thể nói mua sách mới là một cái gì đó xa sỉ thời sinh viên với mình và bạn bè cùng lớp. Đa số mọi người dùng sách photo hoặc không thì là sách cũ. Và nhắc tới sách cũ thì không đâu vượt qua được con đường Láng huyền thoại. Mình không nhớ rõ là đã từng ghé bao nhiêu hiệu sách ở đây. Chỉ biết là đi bộ tầm hai bến xe bus, khi nào mỏi chân thì đứng đợi xe bus rồi về là vừa.
Giờ đường Láng đã thay đổi, các nhà sách cũ giờ đã bay màu gần hết để nhường chỗ cho những tiệm cầm đồ và các cửa hàng kinh doanh. Mỗi lần có dịp đi qua đây là bao ký ức lại ùa về. Hiện nay mọi người đã có nhiều sự lựa chọn. Vì thế chắc chắn ít người được trải nghiệm cái cảm giác lọ mọ trong những chồng sách cũ, phủ đầy bụi thời gian và rồi vỡ òa trong sung sướng khi tìm được cuốn sách ưng ý với cái giá ngon bổ rẻ.
À mà sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua một mặt hàng khác phổ biến ở đây. Đó chính là sách…lậu! Vâng, như đã nói ở trên thì thời đó được dùng sách mới là cả một niềm hạnh phúc. Vì thế mình cũng từng bị những cuốn sách lậu ở đây mê hoặc. Làm sao không thích khi sách mới mà lại được sale 40-50%. Vvề sau mình mới biết những cuốn sách đó ngoài chất lượng lởm thì giá đã bị đẩy lên. Do đó tưởng là được sale nhưng có khi còn đắt ngang ngửa sách thật.
2. Một bước tiến lớn ra Đinh Lễ
Thói quen mua sách của mình bắt đầu thay đổi từ khi mình bắt đầu đi làm. Lúc này khi đã có thu nhập, mình ý thức hơn về việc mua sách thật. Ngoài việc tôn trọng tác giả thì đó chính là cách để tôn trọng giá trị của sức lao động. Và nhắc tới sách thật thì không đâu hơn Đinh Lễ.
Ở đây rất nhiều nhà sách nổi tiếng. Sách ở đây rất đa dạng và giá cả cũng không phải quá đắt. Mình bàng hoàng khi nhận ra tối thiểu cũng được sale 20-25%. Ngoài ra có một số đầu sách đã lâu hoặc không hot lắm cũng được sale đến 35-40%. Cảm giác đúng là được khai sáng.
Từ hồi chuyển sang Long Biên ở, khi thoảng cuối tuần rảnh mình lại bắt xe bus sang phố đi bộ và đương nhiên là sẽ giành một thời lượng nhất định để vào Đinh Lễ, Nguyễn Xí mua sách.
3. Cuộc bứt phá mang tên “hội sách”
Mình chỉ bắt đầu có ý tưởng về việc xây dựng một tủ sách nho nhỏ từ tháng 9/2016. Đó là lần đầu tiên mình biết đến “Hội sách mùa thu” ở Hoàng thành Thăng Long. Hội sách này là nơi quy tụ của các nhà sách, nhà xuất bản nổi tiếng. Bên cạnh đó là những hoạt động giao lưu với các tác giả, diễn giả nổi tiếng.
Không những thế sách ở đây toàn sách xịn, sale ít nhất 30% mà lại có quà theo lượng số tiền mình mua. Mình không nhớ chính xác, nhưng lần đó mình đã bỏ ra gần 300k (nhiều hơn budget hàng tháng mà mình sẽ nói ở phần sau cho việc mua sách hàng tháng).
Những năm sau đó, mình tiếp tục góp mặt tại các chương trình lớn như ngày sách Việt Nam vào tháng 4 hàng năm ở Công viên Thống Nhất hay các sự kiện dọn kho cuối năm của Nhã Nam,… Nói tóm lại là tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, nhưng mỗi lần đi là phải rinh về vài cuốn
4. Thời đại của mua sắm online
Về sau, do công việc bận rộn quê nên mình không còn đến các hội sách thường xuyên nữa. Nhưng đó lại là lúc mà Tiki bắt đầu xuất hiện trên thị trường. Ồ, tại sao lại mất công đi lại trong khi ngồi ở nhà là đã có thể đi chợ và được ship đến tận nơi. Và đây cũng là giai đoạn tủ sách của mình ngày một nhiều thêm.
Nếu các chị em nghiện mua mỹ phẩm như nào thì mình cũng từng có thời nghiện mua sách như thế. Khổ nỗi không hiểu do Tiki sale nhiều hay do mình mát tay mà đã mua là toàn được sale tầm 45% trở lên. Cũng may sau này Tiki thay đổi chính sách mới, chỉ free ship từ 250k nên mình cũng đã học được cách cai hehe.
Tuy nhiên Tiki chưa qua thì Shopee lại tới. Trước đó chẳng bao giờ mình vào shopee chứ đừng nói là nó lại có bán sách. Nhưng không, thời đại thương mại điện tử bùng nổ và các nhà sách cũng đẩy mạnh kênh phân phối. Không biết có phải mình được hưởng lợi hay là nạn nhân nữa vì Shopee free từ đơn 100k, chưa kể là sale cũng chả kém gì Tiki thời đầu.
Và thế là hành trình xây dựng tủ sách lại chuyển sang thì hiện tại tiếp diễn. Đến khi giật mình nhìn ra cái giá sách ngày đầu trống vắng giờ đã chật ních. Một ngày nọ đứa cháu khi đó mới học lớp 3 thốt lên một câu: “Chú định biến đây thành thư viện à?”
5. Giá trị của thư viện mini
Và rồi mình đã nhận ra giá trị của thư viện đó. Mỗi khi trở về nhà, nhìn tháy giá sách đó là mình có một cảm giác thực sự thư giãn. Sách dường như đã không chỉ là một kho tàng tri thức để tra cứu mà còn là trở thành một người bạn đích thực. Khi Covid ập tới, mọi người phải thường xuyên làm bạn với 4 bức tường, tình bạn này lại càng trở nên khăng khít hơn.
Một điều nữa mà mình thấy rất vui là đứa cháu mình đã bắt đầu tìm đến thư viện. Đây là điều mình đã không thể và không có điều kiện để làm được khi còn nhỏ. Bạn có thể tò mò là liệu đọc sách có thực sự phù hợp với lứa tuổi lớp 3, lớp 4. Xin thưa là thư viện của mình rất đa dạng.
Trong đó sách thiếu nhi cũng rất nhiều. Lý do là trong nhiều năm mình đã có thói quen tặng sách đầu năm kèm một số tiền nho nhỏ lấy may cho các cháu nhỏ. Do đó mình cũng sưu tầm kha khá sách thiếu khi. Và những cuốn sách như Con mèo dạy hải âu bay, Túp lều bác Tôm, Totto chan bên cửa sổ, Mùa thu của cây dương,… đều đã được cháu mình đọc qua một cách thích thú.
6. “Bí kíp” xây dựng tủ sách
Theo những con số thống kê chưa đầy đủ, mình đã bỏ ra hơn 10 triệu cho thư viện mini này. Đây có thể là một con số khiến bạn nghĩ rằng điên rồ. Nhưng dĩ nhiên nó là tập hợp của hơn 5 năm, như vậy trung bình là 2 triệu/năm. Nếu nghe vẫn nhiều thì tính ra nó chưa đầy 200k/tháng. Đến đây chắc chắn bạn đã lờ mờ nhận ra “bí kíp” xây dựng tủ sách của mình rồi đó.
6.1. Nói không với nhậu
Đơn giản đó là “nói không với nhậu”. Với tôn chỉ đó, trong vòng 5 năm qua mình đã duy trì được mục tiêu mỗi tháng bỏ ra ít nhất 200k. Số tiền này tương đương một cuộc nhậu để có tiền mua sách. Đương nhiên mình vẫn tham gia các cuộc vui nhưng sẽ từ chối những cuộc nhậu mà mình cho là không cần thiết.
Để làm được điều đó cũng không phải là điều dễ dàng, nhất là trong thời đại chén rượu được coi là một “thước đo” gắn kết tình anh em. Nhưng mình luôn cảm thấy đó là một việc làm đúng đắn. “Nói không với nhậu” giúp mình vừa giữ gìn sức khỏe, lại có thêm những món ăn tình thần!
6.2. Giỏi săn sale
Ở đoạn trên mình có nói tới việc Tiki, Shopee liên tục sale khiến mình liên tục phải móc hầu bao. Vậy thì sao người khác vẫn phải mua những cuốn sách giá cao? Liệu do mình đã quá ăn may hay mua nhiều được ưu ái? Câu trả lời đó là do giỏi săn sale!
Nói chính xác hơn là nắm bắt thời điểm. Từ kinh nghiệm đúc rút mình nhận ra mỗi khi có “Hội sách offline”, các nhà sách cũng có chiến dịch khuyến mại online đồng hành. Theo quan sát thì chương trình này còn sale khủng hơn cả offline. Trong những năm gần đây, các ngày 11/11, 12/12 cũng trở thành ngày hội mua sắm online. Nhờ đó mà mình đã có thể mua nhiều hơn và rẻ hơn. Bạn có thể kiểm chứng khi các hội sách offline trở lại sau Covid-19 nhé
7. Một số đầu sách hay cho bạn
Việc đọc sách phụ thuộc vào sở thích và cảm nhận mỗi cá nhân. Vì thế danh sách mình đưa ra chỉ có giá trị tham khảo thôi nhé:
- Ta balo trên đất Á: cuốn cẩm nang du lịch Đông Nam Á cực kỳ đầy đủ cho dân du lịch bụi.
- Xứ Đông Dương: nếu yêu thích lịch sử, đặc biệt là thời kỳ Pháp thuộc thì bạn nên đọc cuốn này.
- Nghệ thuật tư duy rành mạch: Cuốn sách nói về 99 lỗi tư duy cơ bản mà con người hay gặp phải. Tác giả giải thích cực kỳ dễ hiểu thông qua các ví dụ rất dễ hiểu. Chắc chắn khi đọc bạn sẽ thấy: “à đúng là mình gặp cái này nhưng đã không thể tránh”
- Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya: Bạn sẽ thấy hình ảnh trong nhiều giai đoạn của bản thân trong đó. Hãy tìm đọc và tự cảm nhận nhé!
- Bước chậm lại giữa thế gian vội vã: Nếu từng bất lực hay gặp rắc rối trong các mối quan hệ cá nhân với đồng nghiệp, bạn bè hay gia đình. Đây sẽ là một cuốn sách giúp bạn tĩnh tâm hơn giữa dòng đời xô bồ.
- Lối sống tối giản của người Nhật: Cuốn sách giúp bạn biết cách “thanh lọc” đồ đạc và biến ngôi nhà trở nên gọn gàng, ngăn nắp hơn.
Trên đây là chia sẻ của mình về bí kíp xây dựng tủ sách gia đình. Hãy comment cuốn sách mà bạn yêu thích trong phần bình luận nhé. Đừng quên LIKE, SHARE bài viết để ủng hộ iTravel88. Chúc các bạn sớm xây dựng được tủ sách riêng trong gia đình!
Nếu thấy bài viết này hữu ích, hãy ủng hộ mình một cốc Cafe nhằm duy trì hoạt động của Blog nhé! Cám ơn bạn <3
Đừng bỏ lỡ: Top 5 cuốn sách truyền cảm hứng du lịch của Nhã Nam
Bạn cũng thích: Những sự thật thú vị về máy bay sẽ khiến bạn “kinh ngạc”
#day13 #21contentcreativedays #21CTD