“Nghỉ lễ em đi nước ngoài á, nước nào vậy?”
“Sao, em đi Lào á? Bên đó nóng lắm, ai mà lại đi nghỉ lễ ở bên đó chứ”
Câu hỏi đầy hứng khởi của các anh chị trong phòng nhanh chóng chuyển thành những tiếng cười giòn tan khi biết mình sẽ đến Lào trong dịp 30/4 & 1/5 thay vì đi biển như mọi người. Bỏ ngoài tai những lời khuyên mình vẫn xách balo lên và đi theo tiếng gọi của tuổi trẻ. Mà cũng nhanh thật, mới đó mà đã 2 năm, bao ký ức trên nước bạn lại chợt ùa về. Hôm nay hãy cùng mình trải nghiệm lễ khất thực ở Luang Prabang nhé!
Mục lục đọc nhanh:
- Luang Prabang – thành phố di sản bên bờ sông Mekong
- Lễ khất thực ở Luang Prabang có từ bao giờ?
- Đêm không ngủ ở mảnh đất cố đô
- Lễ khất thực ở Luang Prabang diễn ra tại đâu? vào lúc nào?
- Món quà dành tặng các nhà sư
- Theo chân đoàn người áo cam
- Một nét đẹp của mảnh đất cố đô
- Thay cho lời kết
Luang Prabang – thành phố di sản bên bờ sông Mekong
Nằm ở vị trí giao nhau giữa sông Mekong và sông Nậm Khan, Luang Prabang – thành phố thơ mộng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1995.
Không chỉ nổi tiếng bởi sự hòa hợp giữa nghệ thuật kiến trúc Lào và kiến trúc Châu Âu thời Pháp thuộc, mảnh đất cố đô của Lào còn nổi tiếng với những truyền thống văn hóa được gìn giữ cho đến tận ngày nay. Trong đó lễ khất thực Tak Bat của các nhà sư là một trong những hoạt động thu hút khách du lịch.
Lễ khất thực ở Luang Prabang có từ bao giờ?
Lễ khất thực ở Luang Prabang xuất hiện từ thế kỷ 14 và được duy trì cho tới nay. Những người dân địa phương sẽ thức dậy từ sáng sớm để chuẩn bị những phần đồ ăn đem tặng cho các nhà sư.
Đây là một hoạt động trang nghiêm, thể hiện nét đẹp trong truyền thống văn hóa lâu đời của phật giáo. Và chỉ rạng sáng mai thôi, mình sẽ được mục sở thị buổi lễ ý nghĩa này!
Đêm không ngủ ở mảnh đất cố đô
Homestays của mình chỉ cách nơi diễn ra buổi lễ 500m, trước khi đi ngủ bạn lễ tân đáng yêu đã cẩn thận nhắc lại mình nhớ đặt báo thức để tham dự đúng giờ. Có lẽ vì quá háo hức nên mình chập chờn cả đêm không ngủ được. Cuối cùng sau bao nỗ lực (gồm cả màn đếm cừu kinh điển) mắt mình cũng bắt đầu lim dim.
Nhưng chẳng bao lâu sau, tiếng chuông báo thức bất giác vang lên. Mình mắt nhắm mắt mở quờ lấy cái điện thoại và vùng dậy khỏi giường. Sau lần đi Campuchia thì tới giờ mình mới phải dậy sớm như vậy khi đi chơi. Phía nhà vệ sinh đã nghe tiếng dép loẹt quẹt, tiếng nước chảy róc rách. Hóa ra mọi người đã bắt đầu chuẩn bị lên đường.
Lễ khất thực ở Luang Prabang diễn ra tại đâu? vào lúc nào?
Mình chậm rãi đi bộ ra khu trung tâm, vừa đi vừa hít thở không khí trong lành của buổi sáng. Một cảm giác sảng khoái, lâng lâng đến khó tả, khác hẳn với sự ngột ngạt vào buổi trưa.
Phải 5h30 buổi lễ mới diễn ra nhưng mọi người đã có mặt khá đông từ tờ mờ sáng. Khu chợ đêm tấp nập đã biết mất như thể nó chưa hề tồn tại, để nhường chỗ cho những nhân vật chính của ngày mới. Dọc vỉa hè nơi các nhà sư sẽ đi qua, những hàng ghế nhựa và những manh chiếu đã được sắp xếp ngay ngắn.
Ngoài những người dân địa phương, rất nhiều khách du lịch đã có mặt với đầy đủ các thiết bị ghi hình trên tay. May mắn là tuy đến sau nhưng mình đã chọn được một vị trí khá thuận lợi để tham gia nghi lễ.
Món quà dành tặng các nhà sư
Đồ cúng dường thường là các phần đồ ăn như xôi nóng, bánh hay trái cây được đựng trong những giỏ mây, giỏ tre thể hiện sự tôn kính dành cho các nhà sư. Do không thể chuẩn bị đồ nên mình đã mua một giỏ xôi bán sẵn với giá 10.000 kíp.
Lúc mình chuẩn bị xong thì cũng chỉ còn 1 phút nữa là nghi lễ diễn ra. Trong ánh sáng lờ mờ của ngày mới, bóng những đoàn người áo cam di chuyển nhẹ nhàng đã từ từ hiện ra.
Theo chân đoàn người áo cam
Từ những ngôi chùa, đoàn người áo vàng cam với đôi chân trần từ từ tỏa ra các con phố khu vực trung tâm tại Luang Prabang. Trên vai mỗi nhà sư đeo một chiếc bát bọc trong giỏ mây để đựng đồ cúng dường của người dân. Người dân tham gia nghi lễ ngồi ngay ngắn trên ghế nhựa hoặc quỳ trên manh chiếu để bày tỏ sự tôn kính.
Khi những nhà sư đi tới, người tham gia khất thực sẽ lặng lẽ bỏ một phần đồ ăn đã chuẩn bị vào bát của các nhà sư. Thường thì mọi người sẽ cầu nguyện ngắn trước khi cúng dường cho các nhà sư. Khoảnh khắc diễn ra nhanh chóng, lặng lẽ nhưng tôn nghiêm thể hiện nét đẹp văn hóa được lưu truyền bao đời nay.
Một nét đẹp của mảnh đất cố đô
Gần 6h30 trời bắt đầu sáng tỏ, mặt trời chiếu những tia nắng rực rỡ chào ngày mới, nghi lễ cũng chuẩn bị kết thúc sau một tiếng đồng hồ. Những đoàn người áo vàng cam lại lặng lẽ đôi chân trần, khuất bóng khỏi những con phố chính.
Các nhà sư sau đó chỉ giữ lại một phần đồ ăn nhận được để sử dụng trong ngày. Phần còn lại sẽ được họ mang đi phân chia lại cho trẻ em, những người nghèo tại đây. Điều này như tô điểm thêm những giá trị nhân văn tốt đẹp tại miền đất phật.
Thay cho lời kết
Giữa dòng chảy xô bồ của cuộc sống, buổi sáng ở Luang Prabang đã bắt đầu một cách bình yên như thế suốt nhiều thế kỷ. Đây là cách để những người dân địa phương gìn giữ và lưu truyền nét đẹp văn hóa cho thế hệ mai sau.
Đối với bản thân mình, được tham dự buổi lễ là kỷ niệm đẹp nhất trong kỳ nghỉ tại Lào. Khi về Việt Nam, mình sẽ kể cho các anh chị trong phòng về một nơi không chỉ có “gió Lào”, “nắng Lào” như mọi người vẫn nghĩ mà là một mảnh đất hiền hòa, với những truyền thống văn hóa tốt đẹp lâu đời..
Các bạn vừa cùng mình trải nghiệm lễ khất thực ở Luang Prabang, Lào. Đừng quên chia sẻ cảm nhận của bạn tại fanpage Du lịch khám phá 365 để mọi người cùng biết nhé! Đón xem các câu chuyện du lịch hấp dẫn khác trong chuyên mục “Chuyện trên đường” của mình tại đây.
Đừng bỏ lỡ: Kinh nghiệm du lịch Luang Prabang tự túc từ A-Z TẠI ĐÂY
Bài được yêu thích nhất: Hành trình trở thành Travel Blogger của một đứa mù công nghệ
Bài viết mới nhất:
- Bốn tiêu chí vàng khi mua sim du lịch 4G Malaysia của iTravel88.com
- Review ứng dụng GOCheap
- “Bí mật” giúp bạn sở hữu bức ảnh vạn người mê
- Du lịch tự túc Singapore hết bao nhiêu tiền?
- Tặng bạn Voucher giảm giá 5% của Klook cho tất cả các dịch vụ du lịch
1 Bình luận
[…] lâu đời nơi đây. Trong lần ghé thăm Luang Prabang năm 2019 mình đã có cơ hội trải nghiệm buổi lễ ý nghĩa này và đây vẫn là kỷ niệm khó quên nhất của mình trong lần ghé thăm […]