Xin chào cả nhà! gần đây Phượng có chia sẻ lại bài viết “Du lịch đã giúp mình trưởng thành ra sao?” trên một group facebook. Điều bất ngờ là sau khi ghé iTravel88, nhiều bạn đọc lại link tới một bài viết về việc dẫn tour thời sinh viên của mình. Một số bạn có inbox, cùng chung một thắc mắc là việc dẫn tour cho người nước ngoài liệu có khó? Vì thế, hôm nay mình sẽ tiếp tục chia sẻ về chủ đề này để giải đáp giúp các bạn nhé!
1. Chém gió với Tây – từ “ước mơ” tới hiện thực
“Ra bờ hồ chém gió với Tây” chắc chắn là câu cửa miệng của bất kỳ tân sinh viên nào. Đó cũng là “mơ ước” nhỏ bé của Phượng khi vừa chân ướt chân ráo ra Hà Nội học. Chính vì thế hồi đó cứ cuối tuần mình lại bắt xe bus lên phố đi bộ làm vài vòng với dự định kiếm Tây chém gió.
NHƯNG rất nhanh chóng, mình nhận ra cách làm này có vẻ không ổn cho lắm. Cũng giống như chúng ta khi ra nước ngoài, mục đích của các bạn Tây đến Hà Nội ích là du lịch. Vì thế chắc hẳn việc 3-4 bạn sinh viên ra bắt chuyện sẽ ảnh hưởng tới trải nghiệm của họ.
Ừ thì đa phần họ vẫn dừng lại và trò chuyện vui vẻ. Nhưng mình nghĩ đó chẳng qua là phép lịch sự. Vì họ có lẽ cũng bối rối khi phải trả lời những câu hỏi có phần giống nhau như “Where’re you from”? When did you arrive in Ha Noi? How do you feel about Vietnam,. bla bla.
DO ĐÓ, mình quyết định tìm một hướng tiếp cận mới. Thật may là thông qua CLB tiếng anh ở trường, mình đã biết tới hình thức học tiếng anh thông qua dẫn tour cho người nước ngoài ở Hà Nội. Và nó đã mở đầu cho chuỗi ngày đi tour không biết mệt mỏi của mình!
2. Dẫn tour cho người nước ngoài cần những kỹ năng gì?
Nghe đến đây chắc hẳn bạn sẽ nghĩ ngay:” Ôi dào, mình có học du lịch đâu mà dẫn được tour”
Nhưng không, đây là một tư duy hoàn toàn sai lầm. Bằng chứng là Phượng đã dẫn được 45-50 tour gì đó (nhiều quá không nhớ nổi) thời sinh viên dù học về ngân hàng, chả có gì liên quan tới du lịch cả.
Vậy để dẫn tour cho người nước ngoài ở Hà Nội cần những kỹ năng gì?
2.1. Tiếng anh
Đầu tiên, chắc chắn là tiếng anh rồi. Nhưng nhiều bạn sẽ băn khoăn rằng trình độ như nào là phù hợp? Có cần quá pro? Tuy không có một định lượng chính xác nhưng tin vui là chỉ cần tiếng anh của bạn ở mức nghe nói vừa phải là được.
Mình chưa rõ cách hoạt động của các CLB khác ra sao nhưng CLB Hanoi Free private tour guide mình tham gia thường có hai tour guide. Trong đó một bạn guide chính thì trình độ cần pro một chút còn bạn sub hay “kép phụ” chỉ cần mức vừa phải. Mục đích là để bạn sub có cơ hội hỏi hỏi và rèn luyện dần. Điều quan trọng nhất là có tinh thần học hỏi để một ngày có thể trở thành “kép chính”
2.1. Kiến thức về văn hóa, lịch sử, ẩm thực,…
Đây cũng chính là hướng tiếp cận mà mình muốn nói tới. Khi đến một đất nước khác, ngoài cảnh đẹp thiên nhiên (cái này không phải thế mạnh của Hà Nội) thì người ta sẽ quan tâm tới văn hóa, ẩm thực, lịch sử,… của địa điểm ấy. Đó là lý do mà bạn cần trang bị thêm những kiến thức này.
Nói tới đây thì có một App rất hay về du lịch Hà Nội, bạn có thể down trên Appstore để tham khảo.
Ban đầu cũng không hề dễ dàng, nhất là các kiến thức này lại bằng tiếng anh. Nhưng tin mình đi, khi đã quen, bạn sẽ thấy đầu óc được mở mang và đặc biệt là hiểu và yêu Hà Nội hơn.
2.3. Các kiến thức khác về xã hội
Khi đi tour sẽ có những khoảng lặng như lúc di chuyển giữa các địa điểm, lúc chờ đồ ăn,… Đây là lúc để bạn có thời gian trò chuyện và hiểu thêm về những người bạn đồng hành. Những kiến thức về xã hội hay về đất nước của khách sẽ giúp xóa tan khoảng lặng đó.
Bạn có thể dành một chút thời gian để tìm hiểu trước khi đi tour. Cá nhân mình thường cập nhật tin tức qua CNN và thấy rất hữu hiệu.
3. Lợi ích của việc dẫn tour cho người nước ngoài ở Hà Nội?
Kiến thức thì cần chuẩn bị rất nhiều, thậm chí cũng ảnh hưởng đôi chút tới việc học của mình. Nhưng những lợi ích của việc dẫn tour cho người nước ngoài là quá lớn. Nó vượt xa mơ ước nhỏ bé của mình là “chém gió với Tây”.
Có thể kể đến như:
3.1. Học tiếng anh FREE
Không có gì phải bàn cãi về điều này! Mình nhớ các khóa học tiếng anh có tý “Tây” thì giá thường rất mắc. Nhưng ở đây ngoài học free ra thì Tây còn tranh nhau để…được nói chuyện với mình. Nghe cũng “Ha oai”chứ nhỉ?
À mà không chỉ dừng lại ở kỹ năng nghe, nói, kỹ năng viết của mình cũng được cải thiện sau mỗi chuyến đi. Vì hồi đó CLB có quy định viết lại về chuyến đi sau mỗi lần dẫn tour. Đúng là đi một ngày đàng mà học được vài sàng khôn!
3.2. Làm quen với các dị bản “English”
Cái này thì quá chuẩn luôn. Nói thêm là ở đây Tây là cách mình gọi chung người nước ngoài nên sẽ có “Tây this Tây that”. Vì thế mà tiếng anh họ dùng cũng rất đa dạng. Tuy lúc đi tour sẽ khiến bạn gặp khó khăn nhưng hóa ra nó lại cực kỳ hữu ích. Đặc biệt là khi ra nước ngoài, bạn sẽ không bị bỡ ngỡ khi nghe người Thái, người Nhật hay người Sing,… nói tiếng Anh.
3.3. Có thêm những người bạn mới
Trở thành công dân toàn cầu là điều mình hướng tới trong những năm tháng dẫn tour. Nhờ đi tour, mình có thêm rất nhiều người bạn quốc tế và hiện vẫn tương tác thường xuyên. Có những bạn sẵn sàng host hoặc dẫn mình đi chơi khi tới nước của họ. Như trường hợp của mr Tống ở Kuala lumpur mà mình nhiều lần đề cập chẳng hạn!
3.4. Một số lợi ích khác của việc dẫn tour cho người nước ngoài
- Hiểu thêm về văn hóa, lịch sử, ẩm thực,…: không phải bàn cãi rồi, chuẩn bị kỹ như vậy cơ mà
- Cải thiện kỹ năng giao tiếp: Đây là hiệu quả của những “khoảng lặng” mà mình đề cập bên trên
- Có một chút thu nhập nho nhỏ. Dù là dẫn tour FREE nhưng nếu bạn làm tốt thì những vị khách không nỡ lòng nào để bạn thiệt thòi cả. Hồi đó Phượng rất hay được TIP, thường là 10-20$, thậm chí có lần còn được hẳn 100$
4. Làm thế nào để kết nối với khách?
Nói về những kiến thức phải chuẩn bị cũng lợi ích của việc dẫn tour nhiều rồi. Giờ có một vấn đề mà chắc hẳn nhiều bạn quan tâm đó là làm thế nào để kết nối với khách?
Thực ra thì có rất nhiều cách. Ở đây Phượng sẽ liệt kê cho các bạn tham khảo nhé!
- Thông qua CLB: đây là cách mà mình đã làm khi mới bắt đầu. Ưu điểm là chả phải làm gì ngoài việc thấy ưng thì đăng ký nhận tour rồi đi. Nhược điểm là cạnh tranh cao (vì sinh viên mà, phải nói là max rảnh) nên thời gian không linh hoạt theo ý muốn.
- Liên hệ trực tiếp với khách sạn: Khi đã dẫn nhiều tour, bạn sẽ quen với lễ tân ở các khách sạn lớn. Bạn có thể liên hệ trực tiếp với họ để xem có khách nào cần dẫn tour hay không.
- Thông qua khách đi tour: Các cụ vẫn nói “hữu xạ tự nhiên hương”. Nếu bạn dẫn tốt thì các bạn Tây hoàn toàn có thể giới thiệu khi bạn bè của họ tới Việt Nạm. Cá nhân Phượng cũng từng nhận được nhiều tour như vậy.
- Thông qua các hội nhóm du lịch: Một cách khác là tham gia các hội nhóm du lịch dành cho người nước ngoài trên mạng và tìm kiếm cơ hội.
5. Gợi ý một số tour phổ biến cho người nước ngoài
Một số tour phổ biến cho người nước ngoài ở Hà Nội mà Phượng từng dẫn như:
- Tour phố Pháp: Hồ gươm – Nhà thờ lớn – kem Tràng Tiền – Nhà hát lớn – Bảo tàng lịch sử quốc gia – cầu Long Biên
- Tour phố cổ: Hồ gươm – phố cổ – đền Bạch Mã – nhà cổ 87 Mã Mây (nghe ca trù) – chợ Đồng Xuân
- Tour bảo tàng: Bảo tàng Hồ Chí Minh – Bảo tàng quân sự – Nhà tù Hỏa Lò – Bảo tàng dân tộc học
- Tour ẩm thực: Đây là tour mà mình “ưng cái bụng” nhất ! Bạn chỉ cần chuẩn bị các quán ăn ngon và dẫn khách đi thưởng thức là xong. Thường tour này vào buổi trưa hoặc chiều tối nên bạn cứ đánh chén tẹt bô.
Còn rất nhiều tour khác mà bạn có thể tự thiết kế theo yêu cầu hoặc gợi ý cho khách. Cái này phụ thuộc vào kỹ năng của từng tour guide nhé! Tham khảo thêm kỷ niệm lần dẫn tour đáng nhớ nhất ở Hà Nội của mình
6. Những lưu ý khi dẫn tour cho người nước ngoài
Một số điều bạn cần lưu ý khi nhận dẫn tour cho người nước ngoài như:
- Hãy chủ động và luôn đúng giờ chứ đừng cao su. Điều này cho thấy sự chuyên nghiệp và tôn trọng dành cho khách.
- Nếu tour bao gồm ăn uống thì hãy hỏi lại để biết khẩu vị của khách. Ví dụ có những người chỉ ăn được đồ chay chẳng hạn.
- Hãy luôn vui vẻ ngay cả khi tiếng anh của khách khó nghe. Như mình đã nói ở trên, rất nhiều khách tiếng anh kém. Do đó bạn hãy “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” để giúp họ tận hưởng chuyến đi một cách trọn vẹn!
- Không đòi tiền TIP hoặc chê TIP ít hay nhiều! Đây là điều mình muốn nhấn mạnh lại vì sợ các bạn hiểu nhầm. Hãy coi tiền TIP (nếu có) là món quà may mắn chứ không phải là mục đích nhé!
7. Thay cho lời kết
Trên đây là toàn bộ những giải đáp về việc dẫn tour cho người nước ngoài của Phượng. Với mình thì mỗi lần dẫn tour đều là cơ hội để quảng bá đất nước tươi đẹp của chúng ta với bạn bè quốc tế. À lưu ý là mình chủ yếu dẫn tour ở Hà Nội nên trong bài lấy đây để minh họa. Nhưng những kỹ năng và các lưu ý mình nêu trên đều có thể áp dụng nhé!
Hi vọng bài viết sữ giúp ích cho bạn, đặc là những bạn đang học chuyên ngành du lịch. Bạn còn thắc mắc gì, đừng ngại ngần comment bên dưới hay inbox qua fanpage Ớt Sachi – travel Bloger để được giải đáp. Đừng quên LIKE, SHARE và SUBSCRIBE iTravel88 để ủng hộ Phượng có thêm động lực viết bài chia sẻ nhé!
Nếu thấy bài viết này hữu ích, hãy ủng hộ mình một ly Cafe nhằm duy trì hoạt động Blog nhé! Cám ơn bạn <3
Đừng bỏ lỡ: 5 công việc giúp mình “VI VU” nước ngoài từ thời sinh viên TẠI ĐÂY
Bạn cũng sẽ thích: Nhật ký du hí Campuchia Day 1: Sinh nhật lần thứ 18 trên tàu bay TẠI ĐÂY
Bài viết mới nhất:
- Bốn tiêu chí vàng khi mua sim du lịch 4G Malaysia của iTravel88.com
- Review ứng dụng GOCheap
- “Bí mật” giúp bạn sở hữu bức ảnh vạn người mê
- Du lịch tự túc Singapore hết bao nhiêu tiền?
- Tặng bạn Voucher giảm giá 5% của Klook cho tất cả các dịch vụ du lịch